Giỏ hàng rỗng
Trong số nhiều tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam một thuở do người Pháp ghi chép, bộ sách 2 tập Nam kỳ và cư dân (tập đầu về các tỉnh miền Tây và tập sau về các tỉnh miền Đông) của bác sĩ thuộc địa hạng nhất J. C. Baurac chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Với thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam kỳ với lý do chuyên môn nghề nghiệp là bác sĩ, được tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người An Nam lẫn người Pháp, ông đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử… Các yếu tố này góp phần giúp tác giả Baurac xây dựng được 2 tập sách đồ sộ về Nam kỳ cuối thế kỷ XIX, với dày đặc thông tin và kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam kỳ, những điều thiết tưởng vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày hôm nay.
Tiếp sau một Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây với giá trị tư liệu dồi dào, phong phú và đầy hữu ích, tác giả J. C. Baurac trở lại cùng chúng ta với tác phẩm giúp hoàn thiện bộ sách địa chí của mình về con người và vùng đất phương Nam: Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông. Có thể nói, hành trình khảo sát dịch tễ của vị bác sĩ thuộc địa này, vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, không chỉ góp phần giúp nghiên cứu cải thiện tình trạng vệ sinh, khắc phục vấn đề dịch bệnh thông qua phương thức tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh… mà còn giúp ông tiếp xúc và thu thập được nhiều thông tin và dữ kiện hỗ trợ việc lập thành một bộ sách địa chí vô cùng hữu ích cho người Pháp một thuở, và cho cả người Việt chúng ta, xưa cũng như nay.
“Như đã nói, Nam kỳ là một xứ sở đầy triển vọng. Dưới nhiều góc độ khác nhau về thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, mọi thứ vẫn chưa được thực hiện.
Thương mại chỉ nằm trong tay số ít đồng bào ta, trong khi người Hoa thực sự là một đối thủ đáng gờm. Công nghiệp gần như thuộc về người An Nam và Hoa kiều. Nông nghiệp vẫn còn để ngỏ cho kiều dân Âu châu có tiềm lực kinh tế mạnh những vùng đất khai khác mênh mông.”
– Tác giả J. C. Baurac, bác sĩ thuộc địa hạng nhất
Là tập thứ hai của bộ Nam kỳ và cư dân (tên tiếng Pháp: La Cochinchine et ses habitants) nên lần này tác giả Baurac đi thẳng vào việc giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam kỳ.
Các hạt này gồm: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An [lưu ý là theo cách xếp của người Pháp, 3 địa phương này thuộc miền Đông Nam kỳ, khác với cách xếp của chúng ta ngày nay là thuộc miền Tây Nam bộ], Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore [quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay].
Các chương này được trình bày lớp lang theo bố cục: diện tích, ranh giới hành chính; liệt kê các tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính-kinh tế quan trọng ở từng hạt, với những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt, tác giả đều tìm tòi cách lý giải cho sự tích/huyền thoại liên quan, qua đó gián tiếp giúp người đọc có một hành trình xuyên không-thời gian tìm hiểu về vùng đất; nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài.
Nhìn chung, về mặt sắp xếp nội dung từng chương về từng hạt, không có gì quá khác biệt so với phần thư hai ở cuốn về miền Tây.
*Lưu ý: trước mỗi chương ở Phần thứ hai đều có bản đồ hành chính cuối thế kỷ 19 của từng hạt Nam kỳ.
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Lịch sử tỉnh Gia Định gần như là lịch sử của chính Nam kỳ, bởi vì tỉnh này luôn là mục tiêu của mọi chiến dịch quân sự diễn ra trong khu vực thuộc đế quốc An Nam này...
[...]
Ở hạt Gia Định từng xảy ra khá nhiều sự kiện và cũng có nhiều di tích lịch sử. Đầu tiên, tại một ngôi làng, Thân Hòa, vào đầu cuộc chinh phạt của Pháp, Thống chế Nguyễn Tri Phương [tổng thống quân vụ đại thần] đã thiết lập các tuyến phòng thủ nổi tiếng mà người Pháp biết đến dưới tên phòng tuyến Chí Hòa hay Kì Hòa.”
–Chương “Hạt Gia Định”
“Cấu tạo địa hình của Tây Ninh gần giống với các hạt miền Đông. Chỉ có một điểm nổi bật cần lưu ý: ngọn núi nổi tiếng với tên Núi Bà Đen, cao 884 mét, nằm cách Tây Ninh 15km về phía bắc. Núi này do đá hoa cương dâng lên, không có người ở; người ta cũng không khai thác đá hoa cương, dân bản xứ nói rằng không thể làm việc ở đây vì thiếu nước. Núi chứa một lượng lớn mica và thạch anh; nhiều người còn cho rằng có cả vỉa vàng. Một cái chùa nằm ở độ cao 400 mét, là chốn hành hương của nhiều người bản xứ.
[…]
Núi Bà Đen cao gần 900 mét, là núi có nhiều thú rừng; một cuộc lùa thú của người Cao Miên luôn dành cho thợ săn khao khát xúc cảm những bất ngờ thú vị. Hiểu rõ nơi chốn thú săn trú ngụ, người Cao Miên, vốn cũng rất ham săn bắn, rất hào hứng được tập hợp đông đảo và hưởng ứng lời mời gọi dành cho họ. Về điểm này, chúng ta cũng không thể không nhận thấy ở họ một sự vượt trội so với người An Nam, những người luôn thiếu nhiệt huyết trong săn bắn cũng như nhiều việc khác, cái đam mê và hiểu biết về nghệ thuật săn bắn là đặc trưng của giống nòi Khmer.
Người Cao Miên đánh dấu vị trí trong những khu vực khó thâm nhập nhất của khu rừng, nơi chắc chắn con thú bị săn đuổi phải chạy qua, họ hẳn cho rằng đó là vị trí tốt nhất cho phép bạn nhả đạn.”
- Chương “Hạt Tây Ninh”, phần từ trang 419 có giải thích rõ về tên gọi cái tên “Bà Đen”
“Côn Lôn cách Sài Gòn 100 dặm. Tàu thuyền mất trung bình 12 giờ đi từ Côn Lôn tới Vũng Tàu; mực nước sông phụ thuộc thủy triều, vì vậy giữa Côn Lôn và Sài Gòn hành trình phải đến 24 giờ.
Không có liên lạc thường xuyên giữa đất liền và các đảo.”
- Chương “Poulo-Condore” [lưu ý thời gian đi, ngày xưa mất tầm 12 tiếng đi biển, ngày nay mất gần 4 tiếng đi biển; nếu đi từ Sóc Trăng chỉ mất gần 3 tiếng]
* Nam Kỳ Và Cư Dân Các Tỉnh Miền Tây
“Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn Nam kỳ [Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây] của ông. Những chi tiết nhỏ nhất đã được nắm bắt và trình bày bằng sự sinh động và xác tín của người đã chứng kiến, đã tham gia vào công cuộc gian lao cũng như những tiến bộ thành tựu và rồi tìm ra điểm thu hút độc giả cho tác phẩm của mình.
Công trình này thật cần thiết cho Nam kỳ.
Địa chí các hạt được trình bày hoàn hảo và đầy đủ. Trên hết, ta thấy ở đó một tác giả tận tâm, vô tư, tha thiết phê bình cũng như vinh danh công trạng của chúng ta; thay mặt cho các bạn hữu, thay mặt những người đã yên nghỉ tại những vùng đất xa xôi nhất của Nam kỳ, thay mặt cho tất cả những ai được sống lại kỷ niệm nhờ tác phẩm này, xin chúc mừng và cảm ơn.”
– Ange Eugène Nicolaï, Phó thống đốc Nam Kỳ giai đoạn 1897-1898
Do là tập đầu tiên của bộ Nam kỳ và cư dân (tên tiếng Pháp: La Cochinchine et ses habitants) nên tác giả Baurac đã chia sách thành hai phần:
- Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam kỳ (Nam kỳ lục tỉnh xưa) ở các khía cạnh tổng quan: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động-thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng… của Nam kỳ. Riêng ở phần đầu này, vì là giới thiệu tổng quan về toàn bộ Nam kỳ nên tác giả dành những phần nội dung trang trọng để giới thiệu về Chợ Lớn và Sài Gòn (riêng một phần chương VI và toàn bộ chương VIII được dành cho Sài Gòn, và qua đây bạn đọc có thể tham khảo về lịch sử hình thành và phát triển của nơi này từ một thành lũy quân sự cổ, rồi đến thời Gia Long, Minh Mạng cho đến thời Pháp thuộc… và hiểu được lý do Sài Gòn lại nắm giữ vị trí quan trọng như chúng ta thấy ngày nay).
- Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (chương đầu của Phần thứ hai giới thiệu chung về miền Tây Nam kỳ, 11 hạt cụ thể là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu (và quận Ca Màu)). Các chương này được trình bày lớp lang theo bố cục: diện tích, ranh giới hành chính; liệt kê các tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính-kinh tế quan trọng ở từng hạt, với những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt, tác giả đều tìm tòi cách lý giải cho sự tích/huyền thoại liên quan, qua đó gián tiếp giúp người đọc có một hành trình xuyên không-thời gian tìm hiểu về vùng đất; nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài.
Đa phần hành trình của tác giả là đi dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt của Tây Nam kỳ, do vậy, những gì đã thấy được đã khích lệ ông mày mò tìm hiểu dữ liệu hành chính và đọc thêm nhiều tài liệu của các tác giả khác (có trích trong Nam kỳ và cư dân).
Một điểm đặc sắc ở toàn bộ sách này, đó là nó thể hiện dưới quan điểm của chính quyền Pháp thời bấy giờ, họ đã làm được một việc lớn cho Nam kỳ: xây dựng hệ thống đường sắt, phát triển hệ thống đường bộ (hệ thống cầu đường còn đến ngày nay) và đường sông để kết nối các địa phương với nhau, tránh để rơi vào tình cảnh cục bộ địa phương.
*Lưu ý: trước mỗi chương ở Phần thứ hai đều có bản đồ hành chính cuối thế kỷ 19 của từng hạt Nam kỳ.
** Để hiệu về khái niệm “hạt” (thay cho tỉnh thời nhà Nguyễn), tham khảo chú thích đầu tiên ở trang 386 của sách.
Ví dụ:
“Sau khi thôn tính các tỉnh miền Tây, người ta [Pháp] đã chia các tỉnh cũ thành hạt thanh tra (inspection) hay là hạt tham biện (arrondissement)1. Một phần của tỉnh Vĩnh Long được tách ra để lập hạt Vĩnh Long và châu thành mang tên này2.
Dưới thời cai trị An Nam, tỉnh Vĩnh Long có lãnh thổ rộng lớn bao gồm các hạt hiện nay là Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Nam kỳ lục tỉnh khi đó chia làm sáu tỉnh, và tỉnh Long Hồ (Vĩnh Long) là tỉnh thứ tư. Khi người Pháp tới Nam kỳ, chức kinh lược của sáu tỉnh đã được trao cho một người sau này rất nổi tiếng trong lịch sử thuộc địa, Phan Thanh Giản. […]”
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CỦA CHUYÊN GIA
“Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn Nam kỳ [Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây] của ông. Những chi tiết nhỏ nhất đã được nắm bắt và trình bày bằng sự sinh động và xác tín của người đã chứng kiến, đã tham gia vào công cuộc gian lao cũng như những tiến bộ thành tựu và rồi tìm ra điểm thu hút độc giả cho tác phẩm của mình.
Công trình này thật cần thiết cho Nam kỳ.
Địa chí các hạt được trình bày hoàn hảo và đầy đủ. Trên hết, ta thấy ở đó một tác giả tận tâm, vô tư, tha thiết phê bình cũng như vinh danh công trạng của chúng ta; thay mặt cho các bạn hữu, thay mặt những người đã yên nghỉ tại những vùng đất xa xôi nhất của Nam kỳ, thay mặt cho tất cả những ai được sống lại kỷ niệm nhờ tác phẩm này, xin chúc mừng và cảm ơn.”
– Ange Eugène Nicolaï, Phó thống đốc Nam Kỳ giai đoạn 1897-1898
TRÍCH ĐOẠN HAY
“Tám năm trời gần như liên tục sống ở Nam kỳ và thực hiện vô số những đợt tiêm chủng vắc-xin trong các tỉnh miền Tây thuộc địa đã cho phép chúng tôi thu nhặt một số ghi chép và quan sát. Hôm nay chúng tôi tổng hợp lại trong tập sách này và kèm theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi trong nhiều tác phẩm khác về Nam kỳ.
[…] Công trình của chúng tôi nhằm mục đích bổ sung những thông tin đã được những nhà tiên phong cung cấp về dân tộc học xứ này, làm minh bạch mỗi một hạt tham biện của miền Tây Nam kỳ dưới góc độ hình thành lịch sử, vị trí địa lý, dân cư, đường sá, kênh đào, phân cấp hành chính, thương mại, kỹ nghệ, v.v.”
- Lời ngỏ
“Nhìn tổng thể, thành phố Sài Gòn bị giới hạn: phía bắc bởi rạch Thị Nghè (arroyo de l’Avalanche) và sông Sài Gòn; phía nam là rạch Bến Nghé (arroyo Chinois) và phía tây là Đồng Mả Mồ rộng lớn, sở dĩ nơi này có tên như vậy là vì người An Nam đã chôn cất người chết ở đó từ thời xa xưa và xây những lăng mộ được giữ gìn cẩn trọng nhờ các quy ước.
Tất cả các con đường đều thẳng, rộng, song song với nhau và phát xuất từ các kè cảng giáp sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé; chúng cắt vuông góc với các đường lộ khác xuyên qua thành phố và với nhiều đại lộ dẫn đến các công viên nhỏ, nơi có các tượng bán thân hoặc toàn thân của những vị đô đốc mà tên tuổi gắn liền với cuộc chinh phục hoặc với uy thế của thuộc địa.
Để tạo bóng mát cho khách bộ hành, người ta có ý tưởng trồng hai hàng cây dọc theo tất cả đường phố và đại lộ. Chủ yếu là me (tamarinier), bàng (badamier) và cây tếch (teck) lá lớn, được đề xuất để đáp ứng nhiệm vụ này.”
- Phần thứ nhất, chương VIII về Sài Gòn [từ trang 286 trở đi]
THÔNG TIN TÁC GIẢ
J. C. BAURAC
Bác sĩ thuộc địa hạng nhất. Ông từng dành ra nhiều năm trời đi khắp các địa phương Nam kỳ để khảo sát về dịch tễ.
Các tác phẩm quan trọng:
• La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Ouest (Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây), 1894
• La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Est (Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông), 1899
Hãy Đăng ký