Giỏ hàng rỗng
Cuốn sách đưa ra ý nghĩa và cách sử dụng của 27 giới từ phổ biến trong tiếng Anh. 27 giới từ này đồng thời được chia thành các nhóm dựa vào những “điểm liên quan” giữa chúng, như: “Top 4 giới từ” (phổ biến nhất) gồm At, On, In và To; giới từ “Ra ra vào vào” (Into, Out, Off, From); nhóm “Đi lên nào, ta đi lên nào!” bao gồm Over, Above, Beyond và Up,… cùng nhiều màu sắc và hình ảnh vui tươi giúp việc học tiếng Anh trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Với mỗi giới từ, tác giả trình bày nghĩa gốc cùng vị trí đứng khi chúng ở trong câu. Mỗi trường hợp đều đi kèm với các ví dụ “bám sát” thực tế khi giới từ kết hợp với các động từ và danh từ cụ thể, hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh, lưu ý đối với các trường hợp đặc biệt mà người học có thể nhầm lẫn và một câu chuyện thường ngày của chú Vịt Mặt Trăng hài hước. Cuối cùng, phần Ôn tập vừa giúp người đọc luyện tập về giới từ vừa học cách hiểu và dịch nghĩa cả một câu tiếng Anh hoàn chỉnh.
Trích đoạn sách hay:
1. Trong cụm từ “to A”, A có thể là một “địa điểm” cụ thể hoặc “người” mà đồ vật hướng tới. Với những ngoại động từ đòi hỏi hai tân ngữ như “give”, khi đổi sang loại câu chủ-động-tân (S-V-O), thì “to” sẽ đứng trước tân ngữ gián tiếp. Nó được dùng với ý nghĩa đưa một đồ vật nào đó để đối phương (tân ngữ gián tiếp) nhận được. Ngoài ra, nó cũng có thể dùng để nói tới “trạng thái” cuối cùng đạt được sau khi trải qua nhiều biến đổi.
2. “In the night” hay “at night” mới đúng nhỉ? Chúng ta hay nghĩ giới từ “at” thường đứng trước những từ chỉ một khoảng thời gian ngắn. “Vào buổi sáng” là “in the morning”, “vào buổi chiều” là “in the afternoon”, “vào buổi tối” là “in the evening”.
Nhưng nếu muộn hơn, “vào ban đêm” tại sao người ta không nói là “in the night” mà lại dùng “at night” nhỉ? Nào, giờ ta hãy cùng thử khám phá thế giới ý nghĩa kỳ ảo của “at” nhé! Trong “at A”, A là một địa điểm xác định hoặc những nơi có thể coi là một điểm trên bản đồ, dù kích thước thực sự của nó lớn đến mức nào. Tương tự như với địa điểm, khi được dùng để chỉ thời gian, trong “at A”, A là những khoảng thời gian ngắn có thể xem như một mốc thời gian, hoặc toàn bộ khoảng thời gian A ấy có thể coi như một thời điểm, bất kể độ dài thực tế. Giống như trong “at night”, mặc dù “night (đêm)” là khoảng thời gian rất dài, nhưng cách dùng này phản ánh cách nghĩ buổi đêm trôi đi rất nhanh, chỉ trong một lần “chợp mắt”. Trong “at A” với ý nghĩa “mục tiêu”, chúng ta có thể tưởng tượng A là điểm nằm giữa tấm bia mà các cung thủ và xạ thủ thường nhắm tới. Dù là bắn cung hay bắn súng thì các vận động viên cũng hướng tới mục tiêu là hồng tâm. Tương tự với hình ảnh này, “at” thường được sử dụng theo cùng một cách khi nói tới mục tiêu.
Trong “at A”, A là nguyên nhân, và đôi khi có thể được hiểu là “dựa trên điểm này/ do điểm này”. Khi sử dụng “at” để chỉ nguyên nhân, nguyên nhân ấy thường là nguyên nhân cụ thể liên quan đến cảm xúc thay vì chung chung, mơ hồ. Lý do là vì phạm vi của nó hẹp hơn, gần với hình ảnh “điểm” hơn. Chúng ta có thể hiểu là “chỉ vì điều đó”.
3. Đã bao lâu trôi qua rồi nhỉ? Cảm giác giống với mọi khi bắt đầu xâm chiếm lấy Vịt Mặt Trăng. Cậu he hé mắt nhìn thì trông thấy một con ma đang tiến lại gần giường mình. Run rẩy sợ hãi, cậu nhắm tịt hai mắt và lẩm bẩm đủ mọi câu trong kinh sách mà mình đã học thuộc được cho tới lúc này. Không biết bao lâu trôi qua nhưng khi cảm thấy mọi chuyện có vẻ đã ổn, cậu bèn thử mở mắt ra. Nhưng vào giây phút trông thấy thứ đang ở trước mặt mình, Vịt Mặt Trăng sợ muốn chết luôn. Con ma ấy nhìn chòng chọc vào cậu. Thậm chí nó còn cười toe toét và lớn tiếng thách thức: “Đọc nữa đi, đọc nữa đi~ Đọc nữa đi xem nào~” Kết quả là, Vịt Mặt Trăng lăn ra bất tỉnh nhân sự.
Hãy Đăng ký