Giỏ hàng rỗng
Biên khảo một tác phẩm sử ký đã là một việc khó, viết một quyển sách ghi chép sử bằng thơ lại là một việc càng khó hơn nữa. Thường lịch sử được xem như một khoa học, một khoa học với nhiệm vụ độc nhất đi tìm chân lý của dĩ vảng; vì vậy trong nhiều tác phẩm sử ký, tác giả đã coi thường lời văn và không dành cho cách hành văn địa vị của nó. Và, để bào chữa tình trạng ấy, người ta thường nói là hình thức không quan trọng, miễn là nội dung đúng đúng với phương pháp và chân lý đạt được, đó là khả quan lắm rồi.
Nay với một quyển sử viết bằng thơ thì nhất định không thể viện lý lẽ để che đậy một khuyết điểm nào được cả. Một quyển sử viết bằng thơ thì nội dung và hình thức phải có một mối tương quan vô cùng mật thiết, và chỉ trong một tác phẩm sử ký bằng thơ, chúng ta mới có thể nói, một cách nghĩa là “sáng tác một tác phẩm sử ký”
Thật ra thì loại sách sử ký bằng thơ không phải là hiếm. Đại để Việt sử chúng ta đã có Việt giám Vịnh sử Thi tập của Đặng Minh Khiêm (1520) hay Thiên Nam Ngữ Lục (Diễn ca lịch sử), một tác phẩm thơ nôm của thế kỷ XVII, và gần hơn đây thì ta lại có Việt sử Tổng vịnh thư của vua Tự Đức hay Việt sử Tứ Tự ca của Hồng Nhung và Hồng Thiết.
Tới đây, có lẽ độc giả tự hỏi tại sao không thấy nêu ra quyển Đại Nam Quốc sử Diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái.
Sở dĩ chúng tôi chưa nói đến quyển sách ấy vì nó đóng một vai trò liên hệ đặc biệt đối với tác phẩm sắp giới thiệu sau đây. Tác giả quyển Cận đại Việt sữ Diễn ca, và đã thực hiện ý muốn của mình bằng cách viết tiếp tác phẩm này kể từ thời Tây Sơn cho đến cuối Thế giới Chiến tranh thứ nhất.
Chắc chắn nội dung còn có những sai lầm, cần phủ chính, cũng như hình thức còn có những chỗ vụng về - tác giả là người thứ nhất nhìn nhận điều này – nhưng tác phẩm được giới thiệu đây không có tham vọng nào khác hơn là cống hiến độc giả một đoạn sử vô cùng phong phú với một hình thức mà từ xưa vẫn được người Việt ta ưa dùng và mến chuộng.
Để kết luận, chúng tôi không ngần ngại nói rằng tác giả đã soạn quyển này đúng theo phương pháp KHOA HỌC, ngoài ra tác giả đã đề cao một cách trịnh trọng tinh thần QUỐC GIA và tha thiết nhắm đối tượng là mọi tầng lớp DÂN CHÚNG. Với phần chú thích phong phú và rành mạch, Cận đại Việt sử Diễn ca có thể dùng làm sách giáo khao ở các học đường như tác phẩm đồng loại của nó là Đại Nam Quốc Sử Diễn ca.
Trước khi chấm dứt, chúng tôi thấy không gi hay hơn là trích mấy câu thơ trong lời bạt của ông Nguyễn Doãn Thành:
“ Trăm năm đằng đẳng thời gian,
Non sông tan tác, ngai vàng đổi thay;
Diễn ca tân sử, dở hay?
Sử gia hạnhngộ trao tay quyển vàng
cảo thơm lần giở từng trang
Dồi dào tài liệu, huy hoàng áng văn”.
TRƯƠNG BỬU LÂM
Viện Khảo cổ
SAIGON, ngày 4 tháng 8 năm 1961
Mời bạn đón đọc.
Hãy Đăng ký