Giỏ hàng rỗng
Chợ Lớn, với tôi, dù đã đến, đi không biết bao lần, nhưng mỗi lần hạnh ngộ, lại tìm thấy trong đó những chất liệu sống hấp dẫn thông qua những chi tiết nhỏ của đời thường, có thể là ngôn ngữ, ẩm thực, những nhân vật, văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, tâm linh, không gian kiến trúc... tất cả được biểu đạt một cách rõ nét và đậm đặc. Vẻ đẹp riêng của Chợ Lớn xưa nay, khác biệt hẳn với những “China Town” khắp vùng Đông Nam Á và ở cả châu Âu mà quá trình theo nghề báo tôi có cơ may được tiếp cận.
Hiếm không gian sống của cộng đồng Hoa kiều nào trên thế giới lại được bố cục chặt chẽ, đa dạng, giàu bản sắc như Chợ Lớn. Thế nên, những chuyện nhỏ bình dị ở Chợ Lớn với tôi thực sự là một kho tàng mà cứ mỗi ngày ra vào, lại tìm thấy trong đó những nét duyên khác biệt, khiến niềm dam mê khám phá không gian sống ấy ngày càng thêm mãnh liệt hơn. Chợ Lớn cũng là điểm hẹn lý tưởng để mỗi dịp có bạn bè đến tìm hiểu muôn mặt vẻ đẹp Sài Gòn xưa và nay, không gian ấy luôn là một trong những điểm đến mà tôi muốn giới thiệu cùng mọi người. Những câu chuyện về kiến trúc, ẩm thực, mỹ thuật, tín ngưỡng bản địa, cuộc sống đời thường... ở Chợ Lớn, luôn để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng khách phương xa.
Trong suốt hơn 20 năm loanh quanh, rong ruổi cùng phố xá, hội quán, chùa miếu, chợ quán... gặp những con người quen thuộc, ghi lại hình ảnh tư liệu của cùng một địa điểm, một di tích, một danh thắng, hay một món ăn... ở Chợ Lớn, khi nhìn lại, tôi nhận ra những nét đời ấy cũng đang có nhiều biến chuyển, phát triển ở góc độ tích cực. Có thể lấy ví dụ ở các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, các trường ngôn ngữ, thư pháp, đẳng cấp của bộ môn Lân - Sư - Rồng... đã hòa nhập cùng môi trường chung với cộng đồng Hoa kiều khắp thế giới.
Nhưng Chợ Lớn cũng có rất nhiều mảng - miếng “di sản”, các giá trị nguyên bản đang mai một dần bởi dòng chảy thời gian, bởi tốc độ phát triển vũ bão của đô thị, bởi sự xâm hại trực tiếp từ vô ý đến cố ý của con người. Có thể kể đến những món ăn truyền thống, kỳ công trong chế biến ở các tiệm nước người Hoa ngày càng giản lược, phong vị xưa cũng mai một dần trước nhu cầu thực tế cuộc sống, những công trình kiến trúc nhà liên kế đang oằn mình cùng thời gian, quần thể “tiếu tượng” gốm Cây Mai trên miếu vũ đã gần trăm năm dãi dầm mưa nắng, nay từng ngày bị kẻ gian nhòm ngó, đục khoét bán ra thị trường cổ vật... Câu chuyện bảo tồn và phát huy các giá trị vốn có của Chợ Lớn, không chỉ còn là việc của riêng các bang hội, mà rất cần sự nhìn nhận và góp sức của cộng đồng, của cư dân toàn thành phố.
Cuốn sách tập hợp những câu chuyện xoay quanh không gian sống của người Hoa, với các mảng đề tài từ kiến trúc, văn hóa, lễ hội, nghệ thuật, võ thuật, đời thường... chỉ là những lát cắt biểu đạt nhịp sống thân thương của người Hoa - một đại diện tiêu biểu trong cộng đồng anh em 54 dân tộc Việt. Mỗi bài viết trong cuốn sách chỉ là một “chuyện nhỏ”, được hình thành qua quá trình tiếp cận, chia sẻ cùng cộng đồng người Hoa suốt những tháng ngày rong ruổi vùng Chợ Lớn. Những ghi chép, lượm lặt, chắp vá trong quá trình xây dựng, khai thác và thể hiện các đề tài hẳn không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, sai sót, kính mong nhận được sự đóng góp, chia sẻ và lượng thứ của độc giả.
- Nguyễn Đình -
Mời bạn đón đọc.
Hãy Đăng ký