Giỏ hàng rỗng
Ba viết những dòng thư này cho những ngày con lớn lên, cho những gì con thiếu vắng bên cuộc đời con. Là sự thật, nỗi buồn, điều oan trái, tình yêu thương, sự gửi gắm và cả niềm hy vọng trong những ngay mà ba phải sống xa con biền biệt. Mong con luôn hạnh phúc và hãy nhớ ba yêu con trong từng hơi thở...!
“Người người vẫn qua lại, mọi thứ diễn ra bình thường, như chẳng có chuyện gì, nhưng ba không thể nào đến gần con được.” Hai cha con đang sống trên đất nước hòa bình. Nhưng chuyện gặp lại chỉ trông chờ vào những tấm ảnh thời con dăm ba tháng và những giấc mơ. Hà Nội - Sài Gòn nào phải xa xôi. Một vé máy bay giá rẻ, đôi ba giờ cho tất cả thủ tục và hành trình, nơi cần đến đã hiện ngay trước mắt. Nhưng Hà Nội mãi là một giấc mơ khi người cha đang ở Sài Gòn không thể ngồi máy bay cũng không thể ngồi xe đường dài. Ðứa con trai nhỏ nhắn đang ở đâu đó chỗ giấc mơ. Hình vóc nó như thế nào, nặng hay nhẹ, mạnh hay yếu? Người cha không được biết. Người cha từng nghĩ con là một giấc mơ hạnh phúc mà cả đời cha không dám ước. Cha thấy mình là người may mắn nhất trên đời khi có con. Rồi giấc mơ bay đi... Trong khi đứa con không hề bay đi, nó vẫn vô tư khóc cười đâu đó cách người cha hơn ngàn cây số.
Ðọc Ba ơi, mình đi đâu? của nhà văn Jean Louis Fournier tôi đã khóc với một người cha có hai ngày tận thế vì sinh ra hai đứa con có hệ thần kinh tật nguyền. Ðến khi đọc Con đến như một phép màu tôi thấy tác giả Lê Hữu Nam còn phải đối diện với nhiều ngày tận thế hơn... Ngày bồng con ra sân bay cứ luôn nghĩ một khoảnh khắc xa con là một khoảnh khắc tim ngừng đập. Dẫu rằng khoảng trống đó đang được hứa hẹn lấp đầy sau mươi ngày con quay về. Không ai ngờ khoảng trống dần dần rộng như chốn vô cùng khi lời hứa sum vầy cũng kéo dài vô hạn. Nó đã thành một hố thẳm. Người cha đứng trong lòng hố vẫn không ngừng vẽ lên nền trời mong ước bé nhỏ những mảng màu tươi thắm. Dẫu cho ba với con như những vì sao ở hai phía bầu trời thì tia mắt mong chờ của ba vẫn đủ sức phóng đi xa hơn trời đất bao la kia. Căn bệnh tim càng trầm trọng. Có lúc “nó ngừng đập vài giây”. Rồi nó đập trở lại. Người cha dưới lòng hố nhìn miệng hố ngày càng vời xa, vẫn vẽ lên nền trời bằng tàn hơi đầy những mảng màu thắm thiết. Màu cho con.
Có những loại văn chương tài hoa, sắc sảo như những đóa hồng nhung được chăm chút bởi người làm vườn lành nghề. Nhưng cũng có những loại văn giống như được đâm ra từ một xác cây đã tróc sạch vỏ, khô cháy từng thớ gỗ, chỉ còn lại một dòng nhựa nhỏ len lỏi. Và dòng nhựa đó nẩy chồi. Văn trong Con đến như một phép màu là dòng nhựa mỏng tràn đầy sức sống. Chồi non cứ phún xanh. Nắng dội, mưa dầm nó quẹo xuống tàn lụi. Nhưng sau đó nó tủa chi chít chồi mới, sẵn sàng phủ xanh lên mọi cỗi cằn. Một quyển nhật ký hay những trang thư cho con mang hơi hớm tiểu thuyết. Trong đây nhân vật chính diện không phải chiến đấu với nhân vật phản diện mà là chiến đấu cùng nỗi nhớ và căn bệnh tim bẩm sinh đột biến vô chừng.
Lê Hữu Nam gần như vô vọng ngày gặp lại con vì bệnh cứ luôn chực đến, chực kéo anh khỏi thế gian mà tin tức con cứ bằn bặt. Anh chiến đấu với cái tên “nỗi nhớ” bằng tất cả sức lực mong manh của mình. Nhìn cách anh cười, cách anh nghĩ về những hoạt động giúp đỡ trẻ khuyết tật hay viết về con đường bảo vệ môi trường chung cho trái đất, ta cứ tưởng anh rất may mắn, rất sung sướng. Có lẽ anh đang tự hào vì luôn tin đây là món quà anh có thể gởi lại cho con và nó sẽ vô cùng hạnh phúc vì đã được chào đời trên thế giới đầy yêu thương này.
Với vòng tay từng ôm ấp thiên thần giờ chỉ còn là khoảng trống triền miên, Nam oằn mình biến bất hạnh thành bông hoa giàu hương sắc dâng cho cuộc sống. Và con trai Nam sẽ nhận được một món quà lớn, cần cho nó. Tôi không nghĩ đây chỉ là những lá thư cho con mà nó giống như những lá thư dành cho tôi, cho tất cả những người đang có may mắn được kề cận con cái mỗi ngày. Tài sản chúng ta để lại cho con là gì? Con đến như một phép màu đầy nỗi niềm riêng nhưng lại trả lời được những câu hỏi rất chung dành cho tất cả những người làm cha làm mẹ.
Mời bạn đón đọc.
Hãy Đăng ký