Giỏ hàng rỗng
Trích đoạn sách hay
Trích đoạn 1
Trong số những thanh thiếu niên tìm đến phòng khám của tôi thì số em gây ra bạo lực nhiều không kém gì số nạn nhân bị bạo lực. Có những đứa trẻ lo lắng và sợ hãi rằng mình sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực nên đã gia nhập nhóm bắt nạt trước để có cảm giác an toàn; lại có những đứa trẻ bị bắt nạt ngầm trong lớp quyết định trở thành kẻ gây hấn và dùng dao lam uy hiếp những kẻ bắt nạt mình; có những đứa trẻ thường xuyên chịu đựng sự bạo hành của bố và chứng trầm cảm mãn tính của mẹ lại quyết định tìm đến những đứa trẻ yếu thế hơn ở trường để giải tỏa căng thẳng; hay có những đứa trẻ không thể kiềm chế sự bốc đồng của bản thân, dù biết là sai trái nhưng vẫn bắt nạt những đứa trẻ khác…
Nguyên nhân cho những vấn đề của bọn trẻ rất đa dạng và không thể giải quyết theo một hệ thống nào cả. Khi tìm hiểu kỹ nỗi lòng của những đứa trẻ bạo lực này, sự thật thường rất đáng thương và đau lòng.
Vì muốn được an ủi, vì muốn được quan tâm và cũng lo sợ rằng bản thân sẽ suy sụp nên những đứa trẻ này mới sử dụng sự “công kích” làm “biểu hiện của việc khao khát được yêu thương”. Đằng sau sự hung hăng bên ngoài, các em là những đứa trẻ có trái tim yếu mềm. Chỉ có sự thấu hiểu nội tâm và những cái ôm ấm áp mới có thể giúp các em cởi bỏ chiếc mặt nạ hung hăng đó.
Trích đoạn 2
Những tổn thương tâm lý liên tục gây hại tới con sẽ không kết thúc từ phía con. Chúng sẽ được lưu giữ nguyên vẹn và gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não bộ của con trong suốt quá trình trưởng thành, khiến con không thoát khỏi được sự ám ảnh tâm lý đó và hình thành những nhóm xã hội có bệnh tâm lý. Nó khiến con có cảm giác tự ti và tâm lý bị hại, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đáng kể tới những hành động và lựa chọn căn bản của con.
Một trong những lý do khiến chấn thương tâm lý thời thơ ấu trở thành điều đáng sợ chính là ảnh hưởng xấu của nó tới toàn bộ các chức năng của não khi bộ não chưa trưởng thành phải liên tục lặp đi lặp lại các phản ứng với sự căng thẳng. Điều này dẫn tới việc các mạch máu của phần não cần phải phát triển không thể hình thành một cách bình thường. Kết quả là khả năng ứng phó với stress bị tổn thương vĩnh viễn cho đến khi trưởng thành, và bằng cách này hoặc cách khác, chúng sẽ biểu lộ bằng một phương thức mang tính bệnh lý.
Trong số những trẻ em bị tổn thương tâm lý, có những đứa trẻ không thể biểu hiện sự giận dữ và lo lắng ra ngoài và vì sợ hãi nên chúng chỉ cho người khác thấy nụ cười giả vờ hoặc đôi khi là biểu hiện sự thân mật quá mức. Các hình thái triệu chứng là khác nhau nhưng tất cả đều là cơ chế phòng vệ của bản thân trẻ để xoa dịu các trải nghiệm tổn thương tâm lý đáng sợ. Đừng để bản thân bị lừa bởi nụ cười giả vờ của con. Mặc dù con đang cười, nhưng thực tế nội tâm con đang khóc. Chúng cảm thấy khó khăn đến mức không dám khóc. Vì chúng lo sợ sẽ bị từ chối nếu như thể hiện nỗi buồn của mình ra.
Chúng ta cần phải quan tâm tới những đứa trẻ không biểu hiện cảm xúc ra ngoài hơn là những đứa trẻ biểu lộ cảm xúc. Việc không biểu lộ cảm xúc cũng là một cách biểu lộ. Tổn thương tâm lý thời thơ ấu đã tạo nên đứa trẻ như thế.
Mời bạn đón đọc!
Hãy Đăng ký