Giỏ hàng rỗng
Nhà có 3 vịt giời trứng gà, trứng vịt.
Vịt cả tên Fu, 5 tuổi, từ lúc lọt lòng được tắm trong bể nuôi dạy hừng hực khí thế của cặp bố mẹ son đầy hoài bão và lý tưởng, nên rất nghiêm túc và mẫu mực. Mỗi tội nàng cứ lơ tơ mơ - như thể con ốc vít nào đấy trong đầu nàng bị thay thế bằng cái nấm rơm bé xíu và trơn nhẫy. (Ví dụ mới đầu nàng rủ rỉ với mẹ “đơn vị của cái ghế là "cái". Mẹ mừng rơn vì thấy con “trí tuệ phết”, bèn bảo tối về con đố bố xem bố có biết không. Một phút sau mẹ thấy mặt nàng đầy dấu chấm hỏi: "Có mấy cục ghế? Ủa đúng không nhỉ". Thế rồi đến lúc bố đi làm về, nàng chạy ào ra ra hỏi, quên cả chào bố như thường lệ: "Đố bố ghế nhà mình có mấy BÁT?’’. Tóm lại vịt cả là cô nàng không-chịu-nổi-sự-tập-trung.
Vịt thứ tên Su, 3 tuổi, vì đã quen với chuyện nuôi con nhỏ, nên bố mẹ chăm vịt thứ có phần “thả lỏng hơn”. Thế là chị ta trở thành Nữ thần tự do của nước Vịt. Sợ bị bố mẹ mắng nên chị Cả làm việc gì cũng thận trọng, rón rén; còn chị Thứ thì ngược lại. Chị tỉnh bơ làm mọi trò mà chị Cả không dám làm. Như cho đũa vào cốc ngoáy lộn lên. Mẹ thấy thế liền bảo: "Này con, đừng cho đũa vào cốc”. Nàng tỉnh rụi: “Ơ nhưng mà con thích làm thế”. Khi đi siêu thị, chị Thứ cũng luôn là đứa lủi nhanh nhất. Mỗi lần như vậy bố mẹ thót hết cả tim, dôn đáo chạy đi tìm nàng. Thấy bố mẹ thì nàng tỉnh bơ hỏi: “Mẹ, mẹ đi đâu nãy giờ thế”. Thế nhưng, mẹ chẳng thể mắng mỏ được gì, vì sức đâu mà giận nổi. Và thế là chị chàng luôn được lợi. Mà chị cũng khôn lanh lắm. Nhắm chừng mẹ sắp nổi cơn thịnh nộ là “lỉnh” ngay. Mẹ đành bỏ qua luôn cho khỏe thân chứ biết làm sao nữa. Cứ thế quá trình “tự do hóa” của vịt Thứ ngày càng được đà tiến triển.
Vịt Út tên Chi, 1 tuổi. Mẹ trăm thứ việc đổ đầu, mà để con khóc nhiều thì phiềm lắm, thế nên cô nàng đòi gì mẹ đều đáp ứng hết. Đương nhiên như vậy chẳng hay ho chút nào, mẹ biết chứ, nhưng nhiều lúc biết làm sao!? Được nuông chiều, cô út càng làm tới. Chẳng mấy chốc út ít mà thành ra là có quyền nhất cái nhà này. Cô Út mới biết nói mỗi hai từ “măm măm”, mà chỉ cần nghe tiếng mở tủ lạnh hoặc bao ni-lông sột soạt là thấy ngay bóng cô nàng. Mẹ chỉ cần lơ là một chút là cô nàng tự đi lục lọi, vứt đồ đạc khắp nơi để mò đồ ăn. Món yêu thích của vịt Út là kem đánh răng dành cho trẻ em. Mỗi lần đánh răng cô Thứ xịt cả đống kem rồi đậy lại, còn cô Út thì cứ thế liếm sạch sẽ phần chung quanh nắp. Có khi để được ăn một ít món khoái khẩu này nàng có thể khóc rền rĩ hàng tiếng đồng hồ.
Bố của 3 vịt giời: Ban ngày đi làm ở công ty. Lắm hôm về nhà không chịu được sự rền rĩ của vịt Út khi đòi ăn kem đánh răng, bố bèn cầm tuýp kem đánh răng đưa cho Vịt Út: “Này, bố cho phép rồi”. Vịt Út lập tức ngừng khóc, mắt sáng như sao; trong khi mẹ thì gào lên: “Cái đó hả?!”. Nhà có nuôi bé thỏ. Chuồng thỏ có cửa mở ở phía trên, vịt Út thường chồm người qua đó để rờ bé thỏ. Có lần thế nào mà thấy nàng “in”vào chuồng thỏ, nàng sợ quá kêu khóc tùm lum. Hình như là ngã cắm đầu xuống, may mà bé thỏ không bị sự gì. Bố đi làm về, nghe mẹ kể chỉ hỏi nhõn một câu: “CÓ CHỤP ẢNH LẠI KHÔNG?”. Mẹ gào lên: ANH CÓ PHẢI BỐ CỦA CÁC CON TÔI KHÔNG VẬY!?
Mẹ của 3 vịt giời: Matsumoto Purittu là họa sĩ truyện tranh manga, từng xuất bản tác phẩm The Magaret. Sau khi kết hôn, cô nghỉ việc và tập trung làm công việc nội trợ, chăm con và vẽ manga. Nội dung Nhà có 3 vịt giời được cô chuyển tải lên blog từ năm 2005 và ngay lập tức được hàng trăm nghìn người theo dõi. Đến năm 2006, Nhà có 3 vịt giời được in thành sách, lập tức trở thành “hiện tượng năm 2006” của Nhật và là sách bán chạy nhất trong năm đó. Blog của mẹ vịt giời mỗi ngày đều thu hút hàng nghìn lượt người xem. Năm 2008, bộ phim hoạt hình cùng tên đã bắt đầu lên sóng kênh truyền hình Tokyo.
Tại sao một bộ truyện “bà tám” của một người mẹ bình thường lại tạo được sức hút mạnh mẽ đến vậy?
Mời bạn đón đọc.
Hãy Đăng ký